Xã Chân Mộng được thành lập ngày 10/08/1948, là của ngõ phía nam của Huyện Đoan Hùng. Cách trung tâm huyện 12km. Tổng diện tích tự nhiên là: 981,80 ha, số hộ 1.151, dân số 3.929 khẩu. Xã được chia thành 7 khu hành chính,
Ranh giới hành chính của xã được xác định: phía Bắc giáp xã Vân Đồn huyện Đoan Hùng, phía Nam giáp xã Trạm Thản huyện Phù Ninh, phía Đông giáp xã Minh Phú huyện Đoan Hùng, phía Tây giáp xã Đại An của huyện Thanh Ba.
Chân Mộng có mạng lưới giao thông khá thuận tiện: Có đường Quốc lộ II chạy qua với tổng chiều dài khoảng 4,8km, có đường tỉnh lộ 314 có chiều dài 1 km, 318B có chiều dài 3,7 km . Đây là điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu về mọi mặt và trao đổi hàng hóa với các xã.
Là xã có bề dày truyền thống yêu nước và cách mạng, truyền thống đó được phát huy cao độ trong sản xuất, chiến đấu. Các thế hệ nhân dân Chân Mộng đã phát huy truyền thống yêu nước, cần cù lao động, tích cực xây dựng quê hương, kiên cường đấu tranh chống lại thiên tai và chống kẻ thù xâm lược.
Sau hơn 30 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới của Đảng, từ một xã miền núi nghèo, kinh tế chậm phát triển, đến nay kinh tế – xã hội của xã đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Chân Mộng là một trong những xã đi đầu của huyện Đoan Hùng về phát triển kinh tế đồi rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, với tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 100% đất lâm nghiệp. Bên cạnh đó, các ngành nghề có thế mạnh trên địa bàn xã cũng đang được duy trì và phát triển tốt như: Sản xuất chế biến gỗ, chế biến chè, ươm cây giống, sơ chế lá diễn, đặc biệt trên địa bàn xã có một cơ sở sản xuất nấm rơm là sản phẩm mà xã đang xây dựng sản phẩm OCOP của địa phương… Thu nhập đầu người ở mức cao hơn bình quân chung của huyện.
Chân Mộng tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển CN-TTCN và dịch vụ. Chương trình xây dựng nông thôn mới được chỉ đạo quyết liệt, đến năm 2019, xã Chân Mộng được Công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đi đôi với phát triển kinh tế, phát triển văn hóa xã hội có bước tiến vững chắc. Sự nghiệp giáo dục – đào tạo tiếp tục được củng cố. Chất lượng dạy và học được giữ vững, các phong trào thi đua, các cuộc vận động được thực hiện có hiệu quả. Quy mô trường, lớp ổn định và phát triển; cơ sở vật chất trường, lớp học được tăng cường, đến nay có 3/3 trường học đạt chuẩn quốc gia. Trạm y tế tiếp tục được đầu tư mở rộng, duy trì chuẩn; cơ sở, trang thiết bị y tế từng bước được trang bị, trạm đã đạt trạm chuẩn y tế quốc gia . Công tác y tế dự phòng tiếp tục được tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở được tăng cường hơn. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được củng cố vững chắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Bộ mặt nông thôn Chân Mộng có nhiều khởi sắc hơn, khối đại đoàn kết trong nhân dân, sự đồng thuận trong xã hội ngày càng được tăng cường.
Nhân dân sống chủ yếu bằng nghề sản xuất nông – lâm nghiệp và đây cũng chính là nguồn thu nhập chính của địa phương. Ngoài ra, ngành sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nghề thương mại – dịch vụ đang dần dần phát triển với tốc độ khá đã tạo ra tốc độ tăng trưởng kinh tế và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng tích cực.
Đời sống văn hoá – xã hội của nhân dân trên địa bàn đã có nhiều bước phát triển khá so với những năm trước đây, phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới – đô thị văn minh” được đẩy mạnh. Tình hình an ninh chính trị, an ninh nông thôn ổn định, trật tự an toàn xã hội giữ vững. Đảng bộ và chính quyền có truyền thống đoàn kết, thống nhất, nhân dân tin tưởng vào chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, quy chế dân chủ được ban hành là phù hợp với nguyện vọng của đông đảo cán bộ, Đảng viên và nhân dân từ đó tình hình thực hiện Pháp lệnh dân chủ được duy trì với những việc làm thiết thực, hiệu quả, tạo động lực phát huy dân chủ trong đảng và nhân dân các dân tộc trong xã Chân Mộng.
Chân Mộng là một xã anh hùng trong cuộc kháng chiến chống thực dân pháp năm 1952 quân và dân Chân Mộng phối hợp với bộ đội chủ lực, đã chiến đấu tiêu diệt bọn thực dan pháp trên đường rút chạy đã làm nên chiến thắng Chân Mộng – Trạm Thản trên địa bàn xã có đài tưởng niệm chiến thắng Chân Mộng – Trạm Thản được nhà nước công nhận di tích lịch sử Quốc Gia. Người dân Chân Mộng luôn mang trong mình niềm tự hào về một di tích lịch sử văn hóa được xếp hàng cấp Quốc gia vào năm 2004.
Với nhiều thế mạnh và tiềm năng phát triển, Chân Mộng phấn đấu đến năm 2025 xây dựng xã Chân Mộng phát triển toàn diện, tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện có hiệu quả 2 khâu đột phá: Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội then chốt, đẩy mạnh cải cách hành chính trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, kỷ cương, gương mẫu.